Kính gởi:
- Báo Thể thao & Văn hóa
- PV Văn Bảy
Trân trọng gửi đến Báo TT&VH những ý kiến của tôi:
1 – Thưa ông, có thông tin cho rằng nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được thiết
kế mô phỏng theo nhà thờ Đức Bà Paris, với phong cách kiến trúc gothic. Thế
nhưng nhà thờ Đức Bà Sài Gòn còn pha trộn cả phong cách kiến trúc roman. Điều
này cũng bình thường?
Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn có chiều dài 93m, rộng 35m và cao
57m là một đồ án thiết kế
bởi kiến trúc sư người Pháp tên Jules Bourard, là người đã chiến thắng trong
một kỳ thi tuyển chọn phương án kiến
trúc nhà thờ vào tháng 8 năm 1876, vượt qua 17 đồ án khác lúc bấy giờ.
Phong cách kiến trúc chủ đạo của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là
Romanesque, với các cuốn xây hình bán nguyệt (Roman arch) rất thịnh hành ở thời
đế quốc La mã. Danh từ Romanesque (kiến trúc theo kiểu La Mã) là để chỉ những
ảnh hưởng trực tiếp của nghệ thuật & kỹ thuật xây dựng La mã lên các kiến
trúc thời Trung cổ ở Châu Âu.
Tuy nhiên, một kiến trúc xây dựng vào cuối TK 19 như Nhà thờ
Đức Bà Sài Gòn còn chịu ảnh hưởng của nhiều phong cách, xu hướng thiết kế sau
giai đoạn cao trào của Romanesque. Thông tin cho rằng Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
được thiết kế mô phỏng theo nhà thờ Đức Bà Paris, với sự cải biên pha trộn chỉ
với phong cách kiến trúc Gothic là
chưa thật sự chính xác. Cụ thể là:
- Những đặc điểm và các chi tiết của kiến trúc Gothic thể hiện qua: hệ thống cửa sổ kính màu và các chi tiết trang trí hình tròn theo dạng bông hồng (rose);
- Những chi tiết của kiến thời Phục Hưng thể hiện qua: sử dụng thủ pháp khoá đá góc tường, lan can con tiện quanh nóc mái…;
- Kết cấu khung kim loại để gia cố các cột và khung xây bằng gạch, đá và các vòm trần bằng cuốn gạch là nét mới trong kiến trúc nhà thờ, đánh dấu thời đại “Kỹ thuật mới” – một trong các xu hướng thịnh hành của kiến trúc giai đoạn Cận – Hiện đại.
Năm 1894, kiến trúc sư Gardès đã thiết kế thêm hai chóp nhọn
trên tháp chuông. Xét như vậy thì thấy sự pha trộn “phong cách” ở Nhà thờ Đức
Bà Sài Gòn cũng bình thường như bao nhiêu sự pha trộn khác trong kiến trúc của
mọi thời đại mà thôi.
2 – Việc trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (trên thế giới cũng làm nhiều
lần) có thật sự khó khăn không? Hay chỉ khó khăn ở vài khía cạnh? Tại sao?
Việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn nếu có tiến hành cũng
là việc làm cần thiết để đảm bảo sự tồn tại lâu dài của công trình có tính cách
lịch sử cũng như sự phục vụ cộng đồng giáo dân của kiến trúc này. Khó khăn thể
nào cũng có, thông thường là sự hiểu
biết, kiến thức, kinh nghiệm của những người tham gia các thể loại công
việc như: đánh giá, bảo tồn, trùng tu,
phục chế… di tích kiến kiến trúc. Ngoài ra, vẫn là vấn đề thường gặp: kinh
phí, quản lý xây dựng đô thị…
Nhưng cái đáng lo nhất là tinh thần “trẻ hóa di tích” chỉ
còn có 1 tuổi như nhiều nơi ở nước ta từng gặp mấy năm về trước.
3 – Theo ông điều đáng lo nghĩ với các công trình kiến trúc xưa, kiến
trúc thời Pháp trong bối cảnh quy hoạch, bảo tồn hiện nay?
Theo tôi, điều đáng lo nghĩ với các công trình kiến trúc
xưa, kiến trúc thời Pháp trong bối cảnh quy hoạch, bảo tồn hiện nay nằm cả ở
phía những người có trách nhiệm liên quan. Tức là phải có tinh thần & quan
điểm thực sự khoa học, cầu thị đối với tất cả những gì liên quan đến hai phạm
trù bảo tồn & phát triển, có nghĩa là: bảo
tồn trong sự phát triển và vì sự phát
triển. Nói rõ hơn là sự phát triển phải được ưu tiên với một cái giá vừa
phải.
4 - Những ý kiến khác của ông về nhà thờ Đức Bà Sài Gòn?
Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn cũng như nhiều công trình kiến trúc
thời Pháp khác là một trong những di tích kiến trúc – lịch sử - văn hóa ở vào
vị thế bậc nhất của thành phố. Cái vị thế đó mãi mãi đảm bảo cho nó là một thứ
di sản trong tâm linh, tình cảm & ký ức của tất cả những ai yêu quí &
phấn đấu cho sự tô điểm “Hòn ngọc Viễn
Đông” này luôn sáng chói.
Người trả lời phỏng vấn
PGS - TS - KTS Lê Thanh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét