Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

SƯ NÓI SƯ PHẢI, VÃI NÓI VÃI HAY


SƯ NÓI SƯ PHẢI, VÃI NÓI VÃI HAY
Lê Thanh Sơn

Dân gian Việt Nam có câu “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, đây là ý nói khi hai bên có ý kiến bất đồng về một vấn đề nào đó mà ai cũng cho là mình đúng, ai cũng có cái lý của riêng mình để biện luận. Những cuộc tranh luận như vậy sẽ không thể đi đến một kết quả nào cụ thể nào cả, nhất là trong trường hợp cuộc tranh luận liên quan đến các dự án qui hoạch – xây dựng có sự hiện diện của yếu tố di sản văn hóa. Trong các cuộc tranh luận này thường có bốn đối tượng chính xuất hiện: chính quyền, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và các nhà phản biện xã hội. Xung đột ý kiến và lợi ích sẽ tạo thành hai nhóm: ủng hộ và không ủng hộ hoàn toàn dự án. Các nhà phản biện xã hội thường tự tập hợp cùng nhau lên tiếng trên truyền thông, mạng xã hội và một số cư dân địa phương cũng tham gia ý kiến nhưng theo những chiều khác nhau. Chính quyền địa phương và chủ đầu tư thường không mấy khi chính thức có ý kiến ngoài việc cử một vài chức sắc tham gia trả lời câu hỏi của báo chí vì liên quan đến công việc mà họ đang quản lý. Tư vấn thiết kế thì rất hiếm khi lên tiếng, vì họ chỉ là người làm thuê – nghĩa là người thực hiện ý muốn của chủ đầu tư.
Cuộc tranh luận hiện nay về đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị Khu trung tâm Hòa Bình, TP. Đà Lạt do KTS cao niên Hồ Thiệu Trị chủ trì là một dịp tốt để nhìn lại những vấn đề tương tự đã và sẽ còn diễn ra.
Đồ án này đã đụng chạm vào hai công trình nhạy cảm là: rạp Hòa Bình và Dinh Tỉnh Trưởng. Và do là yếu tố nhạy cảm và thời gian gấp rút, nên lý lẽ của các bên đưa ra đều mang nhiều yếu tố cảm tính. Đáng tiếc là điều này luôn diễn ra trong các cuộc tranh luận xã hội – nghĩa là không có bên nào trình bày được ý kiến của mình một cách thuyết phục. Tuy vậy, nhưng những gì được thực thi sau đó không nằm trong nội dung của bài viết này.
Trong thời đại internet phủ sóng hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và cá nhân hiện nay, thông tin được cập nhật thường xuyên và mạnh mẽ, tác động nhiều đến những phương thức giao tiếp giữa cá nhân và cộng đồng. Gần như trong bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống xã hội cũng sẽ hình thành một bộ phận những “nhà phản biện xã hội” ở một bên và chính quyền ở một bên, đặc biệt là trong lĩnh vực nhạy cảm như di sản đô thị - kiến trúc. Vì đấy là nơi mà quyền lợi và các giá trị dễ có sự xung đột nhiều và trực tiếp nhất. Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn không đơn giản vì cho đến nay, dường như chưa có một phương thức giao tiếp nào thực sự hữu hiệu giữa hai bên này với nhau.Và vì thế mà trong cùng một vấn đề, luôn xảy ra tình huống: người phản biện cứ nói, cứ viết; người làm cứ làm. Trường hợp xây dựng những “bức tường” khổng lồ và xám xịt của dự án Vinhomes Golden River trên khu đất Xưởng Ba Son năm xưa là một ví dụ khá tiêu biểu.

Những “bức tường” khổng lồ và xám xịt của dự án Vinhomes Golden River trên khu đất Xưởng Ba Son năm xưa có thể đem đến nhiều lợi ích kinh tế khổng lồ nhân danh sự phát triển, nhưng đồng thời cũng bứng đi một di sản “có một không hai” của thành phố ra khỏi không gian ký ức và lịch sử của nó. Đây chính là vấn đề mà không một quốc gia đang phát triển nào không phải đối diện. Tuy nhiên, những bài học đắt giá từ chính các quốc gia giàu có như Nhật Bản và Singapore là rất đáng để chúng ta quan tâm đến phương thức tiếp cận của Việt Nam hôm nay trong những vấn đề tương tự: phát triển bền vững

Những “nhà phản biện xã hội” thường là một tập hợp tự phát hoặc tự giác, đôi khi rất đông đảo, họ công khai tên tuổi, nghề nghiệp và ý kiến của mình về một vấn đề cụ thể nào đó của xã hội. Điều này là hết sức tự nhiên và chính đáng, vì mọi người đều đang được hưởng quyền có ý kiến đóng góp vì quyền lợi của cá nhân và của cộng đồng. Luật pháp cũng đã có những điều khoản đảm bảo cho quyền lợi này. Xét về lý thì đúng là như vậy. Thế nhưng, thực tế cho thấy các “nhà phản biện xã hội” luôn phải nhận lấy cái phần lép vế về mình, có khi chỉ vì những lý do rất tầm phào: đã chẳng có một cái cơ chế nào khiến cho các cấp chính quyền buồn “hạ cố” đối thoại với các ý kiến phản biện, mặc dù không hẳn là các cấp chính quyền không quan tâm đến việc phải “… chú ý đến những phản ứng “chưa đồng thuận” từ phía người dân và xã hội…”. Nhưng làm thế nào mà đồng thuận được, khi mà chẳng hề có bất cứ một cuộc đối thoại nào được thực hiện? Hoặc nếu như đã có một cuộc đối thoại nào đó được thực hiện thì phần lớn nội dung cũng chỉ dừng ở mức “lắng nghe, ghi nhận để về báo cáo…” – tức là đã hoàn thành cái trách nhiệm của một người tham gia cuộc họp và “đã có ý kiến”. Và một trong những kịch bản tệ nhất mà chúng ta có thể mường tượng được, đó là cảnh xô xát hoặc là dép bay trong phòng họp… Cuộc họp xong xuôi, mọi người giải tán, ai nấy quay về tiếp tục công việc của mình. Các “nhà phản biện xã hội” thì cũng chẳng gặp được người xứng tầm để mà chất vấn, để mà đối thoại. Có chăng thì là một vài mẩu tin được dẫn lại từ những câu nói của giới chức liên quan bị “rò rỉ”, hoặc những câu “trả lời phỏng vấn” của một đại diện thuộc loại “an toàn” nhất, đến mức mà việc phát ngôn nếu có sơ hở thì cũng không quá đáng ngại, vì họ chỉ là một cấp nhỏ nhoi trong hệ thống. Tiếp theo những mẩu tin bị “rò rỉ”, hoặc những câu “trả lời phỏng vấn”… các “nhà phản biện xã hội” lại có thêm cảm hứng và sự khích lệ để tiếp tục miệt mài đưa “ý kiến” của mình lên bàn phím, mong vạch cho rõ những sơ hở mới “chộp” được. Họ trao đổi và share ý kiến của mình với những nhân sự trong nhóm. Còn những người viết lách kém hơn thì đóng vai trò của các “fan”, họ sẽ gửi vào đấy những “cmt” (comment – tiếng Anh nghĩa là nhận xét, bình luận…) với đủ loại lời lẽ phóng túng. Có lẽ đây chính là lý do mà “cây cầu” đưa ý kiến của “phản biện xã hội” tới phía chính quyền tỏ ra khá trầy trật. Đỉnh cao nhất cho cái kết này thường vẫn là một “bản kiến nghị”.
Sự thể như vậy đã diễn ra trong xã hội ta từ lâu nay, cứ lặp đi, lặp lại hết lần này cho đến lần khác như sóng biển cứ vỗ miên man mãi vào bờ cát đến nghìn năm mà chẳng thấy đổi thay. Những vấn đề liên quan đến di sản văn hóa và di sản kiến trúc - đô thị hiện nay thường rộ lên mỗi khi một qui hoạch hay kiến trúc nào đó bị tác động của những dự án mới – tất nhiên là loại dự án đã cơ bản nhận được tín hiệu “xanh” từ phía chính quyền. Hội “những người yêu di sản”từng có ý kiến phản ứng việc xóa khu Xưởng Ba Son để lấy đất xây dựng cho dự ánVinhomes Golden River. Thế nhưng, đến cả một bài báo công phu và tâm huyết của LE HUY VU NAM - 2016như bài “Ba Son và bi kịch của quy hoạch đô thị Sài Gòn” cũng rơi vào cảnh: “Ván đã đóng thuyền”và “báo từ chối đăng nên anh đăng lên đây… ”[Facebook - https://es-la.facebook.com/notes/le-huy-vu.../ba-son-và.../10153678938237989/].
Vừa rồi là dự định phá bỏ Dinh Thượng Thơ và xây tòa nhà nâng cấp UBND thành phố HCM cũng gặp phải nhiều ý kiến “trái chiều” từ các “phản biện xã hội”. Tuy rằng cho đến thời điểm viết bài này thì số phận chính thức của Dinh Thượng Thơ vẫn còn khá bấp bênh. Nhưng tôi có linh cảm rằng các ý kiến “phản biện xã hội”đã được chính quyền TP. HCM lắng nghe, cân nhắc một cách kín đáo. Tuy chưa hề có một văn bản nào chính thức xác nhận, nhưng phải nói rằng sức căng của “quả bóng” đã được làm giảm nhẹ một cách đáng kể.
Sôi nổi nhất hiện nay có lẽ là đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị Khu trung tâm Hòa Bình, TP. Đà Lạt do KTS Hồ Thiệu Trị chủ trì. Đồ án này khi trưng bày đã gặp phải một sự phản ứng rất gay gắt từ nhiều tầng lớp xã hội, đặc biệt là các kiến trúc sư. Tuy là một người rất không đồng tình với phương pháp luận lúng túng của đồ án này, nhưng tôi cũng đã tìm hiểu thêm những ý kiến của phía những người tỏ ý đồng tình. Một điểm khá thú vị là trên thống kê của mạng internet cho đến 24h00 ngày 23/04/2019 thì những ý kiến like (thích, đồng tình…) đồ án của vị KTS cao niên này cũng thu hút được nhiều người không kém gì so với những ý kiến phản đối. Cụ thể là: Báo điện tử Xây dựng thu được 329 ý kiến thích;trang điện tử của Lao Động thu được 492 ý kiến thích; trang điện tử của Báo Lâm Đồng thu được 590 ý kiến thích. Tự tôi cũng thấy ngạc nhiên và cho phép mình bấm “chơi” một like, nên hiện giờ số lượt like là 591, mặc dù tôi thì chẳng thích gì những ý kiến trả lời lòng vòng của vị KTS cao niên (xem: Nan đề trong đồ án Quy hoạch trung tâm Hòa Bình, đã đăng trên tapchikientruc.com.vn, theleader.vn, nguoidothi.net.vn).
Những so sánh này cho thấy phía các “sư” – những người ủng hộ đồ án và phía các “vãi” – những người phản đối đồ án - đang ở vào một thế giằng và co, thắng – bại chưa rõ ràng. Tôi tự hỏi, nếu tình hình cứ tiếp diễn theo chiều hướng này thì hy vọng sáng sủa nhất phải chăng sẽ là: cái đồ án kia phải điều chỉnh, phải thay đổi, trong đó 2 kiến trúc “đinh” của khu trung tâm là rạp Hòa Bình và Dinh Tỉnh Trưởng (và cả đồi thông) sẽ không bị đối xử thô bạo nữa và dự án sẽ mãi chỉ là dự án vì chưa tìm được nhà đầu tư kiểu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Trong trường hợp đó thì lý tưởng nhất là TP Đà Lạt nên tự đóng vai người “vác tù và hàng tổng”, tức là bỏ tiền để thực hiện những gì mong muốn như: “chỉnh trang, tăng cường công tác quản lý đô thị và trật tự xã hội” vẫn thường nêu. Chỉ cần như vậy thôi thì Đà Lạt sẽ không mất di sản, công trình và cảnh quan khu vực sẽ không còn nhếch nhác như sự “phê phán” của hai ông Trị và Trung (GĐ Sở XD Lâm Đồng) – là hai người đã nhiều lần khẳng định và khi đó thì người dân Đà Lạt sẽ rất hoan nghênh chính quyền. Phát triển như vậy chắc chắn là sẽ bền vững hơn là cứ đập hết để xây mới như khu thương mại cao tầng đang ngất nghểu giữa “Đà Lạt trời mây nước mênh mông”. Viết đến đây tự nhiên tôi tự hỏi không biết bằng cách nào mà công trình này lại được “lỡ xây” và “cho phép tồn tại” như ngôn từ mà lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị ở ta hay sử dụng. Mà khi đó thì mạng internet đã phát triển lắm rồi, ấy thế mà “con voi vẫn được dẫn qua lỗ kim”?
Xin có một vài ý kiến đến các bên “sư” và “vãi” như sau:
Thứ Nhất, với tư cách tư vấn thiết kế và chủ trì đồ án thì KTS Hồ Thiệu Trị nhất định phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của thân chủ - theo cái nghĩa “ăn cây nào, rào cây đó” – tức bên giao việc cho ông làm và tự bảo vệ danh dự nghề nghiệp của mình bằng những lý lẽ chuyên môn có sức thuyết phục. Đáng tiếc là những ý kiến của ông trả lời trong hai cuộc phỏng vấn đều chưa nêu lên được điều này (xem: Báo điện tử Xây dựng ngày 23/03/2019, Báo Lao Động ngày 21/04/2019 và Báo Lâm Đồng Đà Lạt ngày22/04/2019). Có lẽ ông đã không ngờ rằng những công việc “làm ăn” của mình lại rơi vào vòng “búa rìu” dư luận mà hầu hết là do những KTS đàn em, chỉ đáng tuổi em, tuổi con của ông vung lên. Thậm chí họ còn nêu lên ý kiến thành thật rằngmong ông suy nghĩ đến việc an hưởng tuổi già bằng cách từ bỏ công việc quá sức phức tạp này. Tôi thì chỉ mong rằng có ai đó, kể cả ông Trị, sớm tìm ra những lý lẽ thuyết phục nhất cho công việc mình làm và những lời mình nói.
Thứ Hai, với tư cách là những nhà chuyên môn “phản biện xã hội”, các KTS cũng rất nên tỉnh táo tìm những chứng lý thuyết phục cao hơn nữa để KTS đàn anh như ông Trị “tâm phục, khẩu phục”, để chính quyền TP Đà Lạt tin dùng không những kiến thức mà còn cả tấm lòng của anh chị em KTS với di sản của đất nước. Vì suy cho cùng thì những người cần nghe nhất, những người cần được thuyết phục nhất không ai khác là UBND TP Đà Lạt (một tập thể không hề nhỏ), chứ không phải ông Trị hay ông Trung. Hai ông này nhất định sẽ là người được UBND TP Đà Lạt bảo cho là phải biết nói gì và làm gì. Sẽ không ai nói được cho rõ hơn UBND TP Đà Lạt – cơ quan đại diện cho quyền lợi, ý chí và nguyện vọng của cử tri Đà Lạt rằng Đà Lạt muốn thi hành điều gì và không muốn thi hành điều gì. Chắc chắn trong những điều sẽ được “bạch hóa” nay mai sẽ không có việc “dỡ bỏ rạp Hòa Bình và di dời Dinh Tỉnh Trưởng” như ý kiến của cá nhân hai ông Trị và Trung.
Để cho việc góp ý đối với công cuộc chỉnh trang Khu trung tâm Hòa Bình dễ được lắng nghe và tiếp thu thì cần phải hết sức tránh những ý kiến thuộc thể loại phi chuyên môn. Phủ định một vấn đề chuyên môn như kiến trúc thì cần phải phủ định bằng một trình độ chuyên môn cao hơn với nhiều yếu tố định lượng chứ không chỉ đơn thuần là những lập luận, phân tích định tính. Phủ định một vấn đề chuyên môn như kiến trúc thì cần phải có sự khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng từ thực địa và trên nhiều lĩnh vực – việc này đòi hỏi cả sự nhiệt tình, kiến thức, thời gian, công sức và yếu tố rất quan trọng đó là kinh phí. Việc chuẩn bị một bộ hồ sơ đánh giá di tích, di sản cho rạp Hòa Bình và Dinh Tỉnh Trưởng sẽ là một lý lẽ có sức thuyết phục cao, nếu như không muốn nói là cao nhất. Nhưng hiện nay, cả hai bên đồng thuận và chưa đồng thuận đều không đưa ra được một căn cứ nào như vậy, tất cả vẫn là những lập luận định tính. KTS Hồ Thiệu Trị trả lời trên Báo Lao Động ngày 21/04/2019 rằng rạp Hòa Bình “là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhưng vẫn phải đập bỏ. Lịch sử của rạp hát này đã thay đổi qua nhiều thời kỳ, hiện nhà hát đã xuống cấp”. Vậy thì sự xuống cấp của rạp Hòa Bình cụ thể là đã đến mức phải đập bỏ hay chưa? Và tại sao sự thay đổi qua nhiều thời kỳ của rạp Hòa Bình lại là nguyên nhân để đập bỏ nó? Tất cả cần phải được minh chứng rõ ràng bằng con số của các chuyên gia được thuê thẩm định di sản chứ không thể chỉ là cảm nhận của KTS chủ trì. Chứ còn cứ giữ cái cách lập luận này thì làm sao mà có sức thuyết phục.
Cái thế luẩn quẩn, bế tắc của vấn đề này chính là cái thế của cỗ xe tứ mã mà mỗi “ngựa” kéo về một hướng: 1) Nhà đầu tư (tạm thời ẩn danh) thì muốn lợi nhuận, và họ chỉ có thể sẵn sàng bỏ tiền để xây dựng nhà cao tầng hiện đại; 2) thành phố Đà Lạt thì chưa làm hết trách nhiệm và thấy được tầm quan trọng của đầu bài (nhiệm vụ thiết kế) đã phê duyệt để giao chủ đầu tư thực hiện; 3) các “hội yêu di sản” thì thiếu nhiều điều kiện để thực hiện một đánh giá bài bản về chuyên môn cho những di sản mà họ bảo vệ; cái mà họ có trong tay nhiều nhất là những tư liệu hoặc hình ảnh về năm tháng cũ và lòng nhiệt thành 4) KTS thiết kế thì chỉ có thể giúp chủ đầu tư thực hiện dự án với những lập luận về tính hiện đại, cây xanh và không gian mở… Cho đến nay mà nói, vị chủ trì đồ án luôn phớt lờ hoàn toàn những nhận định tử tế về khái niệm di sản và văn hóa. Rốt cuộc, người dân Đà Lạt và du khách sẽ phải chấp nhận một thể loại không gian và văn hóa hoàn toàn xa lạ với những gì họ vốn biết về khu vực này nếu như đồ án này nhất định được thực thi.
Thứ Ba, với trọng trách của một cơ quan Hội “chính trị và nghề nghiệp” thì gần đây Hội KTS cũng đã cất lên một tiếng nói “nhẹ nhàng” quen thuộc của mình về đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị Khu trung tâm Hòa Bình, TP. Đà Lạt. Trong khi đó thì Hội Qui hoạch, vốn có biệt tài “ăn to, nói lớn” vẫn còn chưa “nói gì”. Đúng ra thì hai cơ quan này phải là những đơn vị có đủ điều kiện về nguồn lực (vật chất, kỹ thuật) nhất để cất lên tiếng nói phản biện chuyên môn sớm nhất về những vấn đề quy hoạch và di sản kiến trúc – đô thị của đất nước mới phải. Tôi có quyền tin tưởng rằng các Hội này đang nắm giữ những “sức mạnh” hơn các anh chị em KTS “yêu di sản” rất nhiều lần.
Cuối cùng, UBND TP Đà Lạt nên mời các chuyên gia không chịu sức tác động của công tác quản lý tiến hành những đánh giá cần thiết, khách quan, khoa học, có đủ cả định lượng và định tính để tái thẩm định các giá trị di sản kiến trúc – đô thị ở Khu Trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt, sau đó công bố toàn bộ các thông tin liên quan để công luận được rõ trước khi soạn lại một nhiệm vụ thiết kế để tiến hành thi tuyển đồ án rộng rãi thay vì chỉ định một vài cá nhân cụ thể nào đó. Việc biên soạn nhiệm vụ thiết kế thực chất là một đề tài khoa học, ở đó sẽ thể hiện đủ cả Tâm – Tầm – Tài của người phê duyệt – ngài Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Chúng tôi tin tưởng rằng chỉ có cách thức tiếp cận vấn đề như vậy thì những tranh cãi kiểu “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” mới ngừng lại để nhường chỗ cho những lời lẽ giàu trí tuệ hơn được viết nên với nhiều sự đồng thuận.

TP. HCM, 26/04/2019


Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

NAN ĐỀ TRONG ĐỒ ÁN QUY HOẠCH TRUNG TÂM HÒA BÌNH




Nan đề trong đồ án Quy hoạch trung tâm Hòa Bình

Ngày 23/03/2019 trên Báo điện tử của Bộ Xây dựng có đăng bài phỏng vấn KTS Hồ Thiều Trị – tác giả đồ án quy hoạch khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt. Trong lời dẫn, phóng viên cho KTS Hồ Thiều Trị và bạn đọc biết: “Sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng công bố “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị – tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt”, rất nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra, đặc biệt là việc dỡ bỏ rạp Hòa Bình và di dời Dinh Tỉnh Trưởng.”

Đọc các câu trả lời của kiến trúc sư (KTS) Hồ Thiệu Trị, tự nhiên tôi thấy nhớ đến “Thuyết nan” (cái khó trong việc du thuyết) của Hàn Phi, một học giả nổi tiếng thời Chiến Quốc, và thấy rằng tác giả đồ án tự tạo cho mình một số nan đề (vấn đề khó) xung quanh việc diễn giải cho những ý tưởng và giải pháp của đồ án. Cụ thể có 6 nan đề:

1 - Có thể nói việc tăng cường không gian xanh là ý tưởng chính của đồ án, tiếp theo là hình thành nhiều quảng trường lớn. Ở đây, tác giả đã sử dụng những ngôn từ dễ nghe nhất, những thuật ngữ thời thượng, dễ thuyết phục nhất. Cũng trong bài trả lời phỏng vấn trên, KTS Hồ Thiều Trị còn nêu lên 6 lập luận khác mà cơ bản là trùng với lập luận thứ nhất, tức là tăng cường không gian xanh – không gian mở. Các lập luận này cứ lặp đi lặp lại đến 7/ 7 lần đã chứng tỏ rằng đồ án có một số ý tưởng đang thật sự khó trình bày cho rành mạch, đó là vấn đề bảo tồn di sản, di tích kiến trúc và giữ gìn ký ức lịch sử, “hồn nơi chốn”… của khu vực trung tâm Hòa Bình mà cụ thể là việc quyết định dỡ bỏ rạp Hoà Bình và di dời Dinh Tỉnh Trưởng. Và đau đầu hơn là làm sao bảo vệ cho được quyền lợi thật sự của nhà đầu tư. Đây chính là lý do chính gây nên làn sóng phản đối, những ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng – những người chẳng ai thèm hỏi ý kiến trước đó.

2 - Là một KTS, người viết bài này rất thông cảm với tác giả đồ án – nếu hiểu rằng KTS ở Việt Nam là những người được “thuê” để vẽ đồ án cho một ngôi nhà, một building… Khi đấy thì những vấn đề về khía cạnh pháp lý của việc thiết kế đã khá rõ ràng (lộ giới qui hoạch, khoảng lùi công trình, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, hệ số sử dụng đất…), tất cả nằm trên một khuôn đất có chủ sở hữu (nhà đầu tư) cũng rõ ràng không kém. Khi đấy thì KTS chỉ còn có việc phô diễn tài năng của mình trong các giải pháp thiết kế từ khía cạnh công năng cho đến thẩm mỹ, từ kỹ thuật đến tính khả thi… Ấy thế mà búa rìu dư luận đôi lúc cũng còn không buông tha nếu như cái ngôi nhà ấy xây lên bị cho là xấu, là lỗi thời và có thể làm hỏng “đường chân trời” (skyline) của một đô thị nào đó. Đằng này, KTS Hồ Thiều Trị lại tự mình vác cái “cây thập tự” qui hoạch chi tiết và thiết kế đô thị nên mới khổ đến thân. Nên hiểu rằng, ngày hôm nay không có chuyện một KTS công trình – dẫu có tuổi nghề cao - “nhảy vào” làm qui hoạch. Ngay cả những đô thị gia và chuyên gia thiết kế đô thị cũng không thể làm việc cá nhân được, vì hai cái nghề trên thực chất là một kỳ công xử lý trên diện rộng rất nhiều loại thông tin từ kinh tế đến xã hội, từ lịch sử đến tâm linh, từ kiến trúc đến bảo tồn, từ nguồn vốn cho đến tính khả thi… Vì vậy mà có thể hiểu được tại sao những lập luận của tác giả đồ án cứ loanh quanh, lặp đi lặp lại những từ ngữ đến mức tôi cảm thấy rất bất tiện nếu như phải chép lại đầy đủ ở đây vì sự ngớ ngẩn, hỗn độn của ngôn từ.

3 - Cũng vì là một KTS, người viết bài này rất thông cảm với tác giả đồ án ở cái ý: là một người được “thuê” để vẽ đồ án qui hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, thì điều đầu tiên ông Trị phải làm tất nhiên là tìm hiểu ý đồ đầu tư và quyền lợi của người đã thuê ông là gì? Chắc chắn rằng mọi nhà đầu tư tư nhân hiện nay đều phải nhìn thấy trong cái dự án mà họ đầu tư là bao nhiêu m2 sàn sẽ được xây để đảm bảo hiệu quả đầu tư là cao nhất trong thời gian ngắn nhất có thể. Đó là ý tưởng chính của tất cả các nhà đầu tư. Không hề có nhà đầu tư nào bỏ tiền ra để nhằm giải quyết hai việc “tăng cường không gian xanh” và hình thành nhiều quảng trường lớn” cho khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt như những gì ông Trị đã nói. Vì thực chất thì KTS cũng không có quyền gì, quyền quyết định ở đây thuộc về UBND tỉnh Lâm Đồng. Nhưng UBND tỉnh cũng không có kinh phí để thực hiện việc tôn tạo, chỉnh trang đô thị như mong muốn, nên chỉ còn phương thức kêu gọi các nhà đầu tư. Và như vậy thì một cú bắt tay “đổi đất – lấy cảnh quan” sẽ cần phải được thực hiện. Vậy nên cần hiểu rằng những ý tưởng mà ông Trị nêu trên chỉ là những từ ngữ hoa mỹ mà người ta hay dùng có tính bề ngoài để “đánh tráo khái niệm” hoặc làm lạc hướng chú ý của dư luận mà thôi. Ý thức được cái nỗi khó khăn này, tác giả đồ án đã không ngần ngại sử dụng phương thức của những nhà du thuyết cổ đại, đó là: dấu đi cái mục đích thật sự (lợi nhuận của nhà đầu tư) bằng cách che đậy lên bên trên nó tới 7 lớp lập luận – mà thực chất là chỉ có một lập luận (cái ý mà cộng đồng thích nghe). Cái ý mà cộng đồng thích nghe ở đây chính là: “tăng cường không gian xanh”, “hình thành nhiều quảng trường lớn” và “giảm lưu lượng xe tập trung về khu trung tâm”… Hàn Phi từng viết: “việc thuyết phục là cốt ở chỗ biết tô điểm cho cái mà nhà vua quý trọng, từ bỏ cái mà nhà vua ghét”. Cái ý này có vẻ đã được tác giả đồ án vận dụng rất tốt. Nhưng hiệu quả trước công luận thì hình như lại ngược lại, vì rằng: sách lược du thuyết ngày xưa có thể dùng khi tấu trình trước một cá nhân có toàn quyền sinh sát – ông vua; nhưng cộng đồng ngày nay thì cần phải được thuyết phục bằng sự thật. Sự thật là trong đồ án này, rạp Hoà Bình thì bị dỡ bỏ và Dinh Tỉnh Trưởng thì bị di dời. Sự thật này là không thể được chấp nhận bởi cái dự định sẽ thay vào đấy ít nhất 3 tòa nhà không hẳn là xấu, nhưng chắc chắn là không hợp cảnh. Mà những việc hệ trọng này không hề được tác giả đồ án nhắc đến dù chỉ một lần trong toàn bộ bài phỏng vấn. Có thể ông cũng thấy rằng đoạn này đến “nói” còn khó chứ mong gì “nuốt” cho trôi.

4 - Nhưng đến gần cuối bài phỏng vấn, tác giả đồ án nhận định: “khu rạp Hòa Bình hiện tại đang bị xuống cấp trầm trọng và khai thác không hiệu quả…” thì thú thực là tôi không thể chia sẻ được. Với tư cách của một KTS chủ trì đồ án, trước khi quyết định số phận của một công trình dẫu không có gì đặc sắc, nhưng lại là vấn đề nhạy cảm, thì KTS phải có đủ sự nhạy cảm tương ứng để từ từ tháo gỡ cái ngòi nổ ra khỏi chỗ nhạy cảm này của công luận mới phải. Tại sao tác giả đồ án không học theo các KTS ở châu Âu đã cư xử tinh tế như thế nào đối với kiến trúc của các thế hệ đi trước, chứ chưa cần nói tới cách ứng xử đối với các công trình thuộc hạng di tích kiến trúc – lịch sử - nghệ thuật. Hẳn rằng tác giả đồ án không xa lạ gì với công trình cải tạo tòa nhà chính La Grande Halle, vốn là chuồng gia súc cũ do Jules de Merindoi xây năm 1867 được chuyển thành một không gian hiện đại, làm nơi diễn ra các liên hoan nghệ thuật trình diễn (âm nhạc, múa, xiếc…) hay các hội chợ triển lãm quốc tế… Đây là một hạng mục rất hấp dẫn và thu hút du khách khi đến Paris Parc de La Villette. [Hình minh họa 1]







H-01a-Parc de la Villette trước khi cải tạo
H-01b-Parc de la Villette sau khi cải tạo

                                
5 - Tôi rất ngạc nhiên khi đọc những nhận định của tác giả đồ án liên quan đến Dinh Tỉnh Trưởng: “Hiện trạng khu vực này đã xuống cấp, không thu hút được khách tham quan du lịch. Việc đề xuất cải tạo hoặc di dời trong khuôn viên là định hướng chung để các nhà thiết kế có thể đưa ra các phương án tối ưu nhất…”. Thứ Nhất, để cho một di tích kiến trúc – lịch sử xuống cấp đến mức không thu hút được khách du lịch tham quan là bằng chứng cho thấy một sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm đã kéo dài quá lâu đối với tài nguyên chung này của các cấp quản lý và là một sự lãng phí rất đáng chê trách. Nếu các cấp quản lý thực sự quan tâm, chú trọng bảo dưỡng, duy trì thì hiệu quả sử dụng mấy chục năm qua đã không bị mai một và giờ đây cũng giảm được gánh nặng cho ngân sách trùng tu, bảo tồn. Thứ Hai, việc di dời, dù là “trong khuôn viên” đối với một di tích như Dinh Tỉnh Trưởng ở khu Hòa Bình cũng sẽ trở nên bất cập như khi người ta định di dời ngôi đền Parthenon đến một góc nào đó trên đồi Acropolis ở Hy Lạp. Chỉ riêng điều này tất nhiên là không thể chấp nhận được chứ chưa nói đến việc xây khách sạn 10 tầng nghễu nghện trên một khu đồi xanh cao nhất khu vực. Cái đẹp của kiến trúc ở Đà Lạt không thể tách rời khỏi yếu tố địa hình và cây xanh mà PGS. TS.KTS Nguyễn Hồng Thục gọi là “những phối cảnh ngô nghê” với những chiếc mái hình bán cầu vô cùng xa lạ.


6 - Nếu Đà Lạt thật sự có nhu cầu xây dựng những công trình thương mại, du lịch hiện đại thì không phải không có phương cách thích hợp, đó là các khu vực nằm bên ngoài khu trung tâm và cảnh quan đặc sắc của hệ thống các hồ nước. Phải thừa nhận rằng đang tồn tại một nghịch lý lớn lao giữa bảo tồn và phát triển ở khắp các đô thị lớn nhỏ của chúng ta. Nhà đầu tư thường không mấy quan tâm, đồng hành cùng các thành phố trong việc “vẽ” nên những đô thị hiện đại. Cái mà họ quan tâm nhất là lợi nhuận trong mức đầu tư thấp nhất có thể. Khu Thủ Thiêm của TP. HCM cho đến nay vẫn chưa phát triển, theo ý kiến của TS Ngô Viết Nam Sơn: “trong khi mong muốn ban đầu Thủ Thiêm là nơi thu hút các tập đoàn lớn xây dựng thành khu trung tâm kinh tế, tài chính... tầm cỡ khu vực”, thì nay chỉ thấy những dự án của các nhà đầu tư tư nhân, chủ yếu xây nhà để bán. Nhìn bức ảnh chụp bán đảo Thủ Thiêm sau hơn 20 năm qui hoạch đến nay vẫn còn như một bãi đất hoang, trong khi ở bên bờ đối diện thì những toà nhà cao tầng mọc lên dày đặc như những bức tường rào [Hình minh họa 2] . Điều đó giải thích tại sao người ta quyết tâm di dời một di tích như Dinh Tỉnh Trưởng để xây dựng một khách sạn 10 tầng dù rất ngô nghê. Do biết trước rằng công luận sẽ phản đối kịch liệt, nên họ mới ra sức nói về “tăng cường không gian xanh” “hình thành nhiều quảng trường lớn”.
Qua 6 nan đề nêu trên mới thấy việc tạo dựng tính đồng thuận ngày nay còn có nhiều cái khó hơn so với việc du thuyết ngày xưa đến như thế nào./.

30/03/2019
Kiến trúc sư Lê Thanh Sơn
Đại học Kiến trúc TP. HCM


H-02a-Bán đảo Thủ Thiêm hoang vắng sau 20 năm QH

H-02b-Những bức tường rào bao vây Thủ Thiêm