Nan đề trong đồ án Quy
hoạch trung tâm Hòa Bình
Ngày 23/03/2019 trên Báo điện tử của Bộ Xây dựng có đăng bài
phỏng vấn KTS Hồ Thiều Trị – tác giả đồ án quy hoạch khu vực trung tâm Hòa
Bình, TP Đà Lạt. Trong lời dẫn, phóng viên cho KTS Hồ Thiều Trị và bạn đọc biết: “Sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng công bố “Quy hoạch
chi tiết và thiết kế đô thị – tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt”,
rất nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra, đặc biệt là việc dỡ bỏ rạp Hòa Bình
và di dời Dinh Tỉnh Trưởng.”
Đọc các câu trả lời của kiến trúc sư (KTS) Hồ Thiệu Trị, tự
nhiên tôi thấy nhớ đến “Thuyết nan” (cái
khó trong việc du thuyết) của Hàn Phi, một học giả nổi tiếng thời Chiến Quốc,
và thấy rằng tác giả đồ án tự tạo cho mình một số nan đề (vấn đề khó) xung
quanh việc diễn giải cho những ý tưởng và giải pháp của đồ án. Cụ thể có 6 nan
đề:
1 - Có thể nói việc tăng cường không
gian xanh là ý tưởng chính của đồ án, tiếp theo
là hình
thành nhiều quảng trường lớn. Ở đây, tác
giả đã sử dụng những ngôn từ dễ nghe
nhất, những thuật ngữ thời thượng, dễ thuyết phục nhất. Cũng trong bài trả lời phỏng vấn trên, KTS Hồ
Thiều Trị còn nêu lên 6 lập luận khác mà cơ bản là trùng với lập luận thứ nhất,
tức là tăng cường không gian xanh – không gian mở. Các lập
luận này cứ lặp đi lặp lại đến 7/ 7 lần đã chứng tỏ rằng đồ án có một số ý tưởng
đang thật sự khó trình bày cho rành mạch, đó là vấn đề bảo tồn di sản, di tích
kiến trúc và giữ gìn ký ức lịch sử, “hồn nơi chốn”… của khu vực trung tâm Hòa
Bình mà cụ thể là việc quyết định dỡ bỏ rạp Hoà Bình và di dời Dinh Tỉnh Trưởng.
Và đau đầu hơn là làm sao bảo vệ cho được quyền lợi thật sự của nhà đầu tư. Đây
chính là lý do chính gây nên làn sóng phản đối, những ý kiến trái chiều từ phía
cộng đồng – những người chẳng ai thèm hỏi ý kiến trước đó.
2 - Là một KTS, người viết bài này rất thông cảm với tác giả
đồ án – nếu hiểu rằng KTS ở Việt Nam là những người được “thuê” để vẽ đồ án cho
một ngôi nhà, một building… Khi đấy thì những vấn đề về khía cạnh pháp lý của việc
thiết kế đã khá rõ ràng (lộ giới qui hoạch, khoảng lùi công trình, mật độ xây dựng,
chiều cao công trình, hệ số sử dụng đất…), tất cả nằm trên một khuôn đất có chủ
sở hữu (nhà đầu tư) cũng rõ ràng không kém. Khi đấy thì KTS chỉ còn có việc phô
diễn tài năng của mình trong các giải pháp thiết kế từ khía cạnh công năng cho
đến thẩm mỹ, từ kỹ thuật đến tính khả thi… Ấy thế mà búa rìu dư luận đôi lúc
cũng còn không buông tha nếu như cái ngôi nhà ấy xây lên bị cho là xấu, là lỗi
thời và có thể làm hỏng “đường chân trời” (skyline) của một đô thị nào đó. Đằng
này, KTS Hồ Thiều Trị lại tự mình vác cái “cây thập tự” qui hoạch chi tiết và
thiết kế đô thị nên mới khổ đến thân. Nên hiểu rằng, ngày hôm nay không có chuyện
một KTS công trình – dẫu có tuổi nghề cao - “nhảy vào” làm qui hoạch. Ngay cả
những đô thị gia và chuyên gia thiết kế đô thị cũng không thể làm việc cá nhân
được, vì hai cái nghề trên thực chất là một kỳ công xử lý trên diện rộng rất
nhiều loại thông tin từ kinh tế đến xã hội, từ lịch sử đến tâm linh, từ kiến
trúc đến bảo tồn, từ nguồn vốn cho đến tính khả thi… Vì vậy mà có thể hiểu được
tại sao những lập luận của tác giả đồ án cứ loanh quanh, lặp đi lặp lại những từ
ngữ đến mức tôi cảm thấy rất bất tiện nếu như phải chép lại đầy đủ ở đây vì sự ngớ
ngẩn, hỗn độn của ngôn từ.
3 - Cũng vì là một KTS, người viết bài này rất thông cảm với
tác giả đồ án ở cái ý: là một người được “thuê” để vẽ đồ án qui hoạch chi tiết
và thiết kế đô thị, thì điều đầu tiên ông Trị phải làm tất nhiên là tìm hiểu ý
đồ đầu tư và quyền lợi của người đã thuê ông là gì? Chắc chắn rằng mọi nhà đầu
tư tư nhân hiện nay đều phải nhìn thấy trong cái dự án mà họ đầu tư là bao
nhiêu m2 sàn sẽ được xây để đảm bảo hiệu quả đầu tư là cao nhất trong thời gian
ngắn nhất có thể. Đó là ý tưởng chính của tất cả các nhà đầu tư. Không hề có
nhà đầu tư nào bỏ tiền ra để nhằm giải quyết hai việc “tăng cường không gian
xanh” và “hình thành nhiều quảng trường
lớn” cho khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt như những gì ông Trị
đã nói. Vì thực chất thì KTS cũng không có quyền gì, quyền quyết định ở đây thuộc
về UBND tỉnh Lâm Đồng. Nhưng UBND tỉnh cũng không có kinh phí để thực hiện việc
tôn tạo, chỉnh trang đô thị như mong muốn, nên chỉ còn phương thức kêu gọi các
nhà đầu tư. Và như vậy thì một cú bắt tay “đổi đất – lấy cảnh quan” sẽ cần phải
được thực hiện. Vậy nên cần hiểu rằng những ý tưởng mà ông Trị nêu trên chỉ là
những từ ngữ hoa mỹ mà người ta hay dùng có tính bề ngoài để “đánh tráo khái niệm”
hoặc làm lạc hướng chú ý của dư luận mà thôi. Ý thức được cái nỗi khó khăn này,
tác giả đồ án đã không ngần ngại sử dụng phương thức của những nhà du thuyết cổ
đại, đó là: dấu đi cái mục đích thật sự (lợi nhuận của nhà đầu tư) bằng cách
che đậy lên bên trên nó tới 7 lớp lập luận – mà thực chất là chỉ có một lập luận
(cái
ý mà cộng đồng thích nghe). Cái ý mà cộng đồng thích nghe ở đây chính
là: “tăng cường không gian xanh”, “hình thành nhiều quảng trường
lớn” và “giảm lưu lượng xe tập
trung về khu trung tâm”… Hàn Phi từng viết: “việc thuyết phục là cốt ở chỗ biết tô điểm cho cái mà nhà vua quý trọng,
từ bỏ cái mà nhà vua ghét”. Cái ý này có vẻ đã được tác giả đồ án vận dụng
rất tốt. Nhưng hiệu quả trước công luận thì hình như lại ngược lại, vì rằng: sách
lược du thuyết ngày xưa có thể dùng khi tấu trình trước một cá nhân có toàn quyền
sinh sát – ông vua; nhưng cộng đồng ngày nay thì cần phải được thuyết phục bằng
sự thật. Sự thật là trong đồ án này, rạp Hoà Bình thì bị dỡ bỏ và Dinh Tỉnh Trưởng
thì bị di dời. Sự thật này là không thể được chấp nhận bởi cái dự định sẽ thay
vào đấy ít nhất 3 tòa nhà không hẳn là xấu, nhưng chắc chắn là không hợp cảnh.
Mà những việc hệ trọng này không hề được tác giả đồ án nhắc đến dù chỉ một lần
trong toàn bộ bài phỏng vấn. Có thể ông cũng thấy rằng đoạn này đến “nói” còn
khó chứ mong gì “nuốt” cho trôi.
4 - Nhưng đến gần cuối bài phỏng vấn, tác giả đồ án nhận định:
“khu rạp Hòa Bình hiện tại đang bị xuống
cấp trầm trọng và khai thác không hiệu quả…” thì thú thực là tôi không thể
chia sẻ được. Với tư cách của một KTS chủ trì đồ án, trước khi quyết định số phận
của một công trình dẫu không có gì đặc sắc, nhưng lại là vấn đề nhạy cảm, thì
KTS phải có đủ sự nhạy cảm tương ứng để từ từ tháo gỡ cái ngòi nổ ra khỏi chỗ
nhạy cảm này của công luận mới phải. Tại sao tác giả đồ án không học theo các
KTS ở châu Âu đã cư xử tinh tế như thế nào đối với kiến trúc của các thế hệ đi
trước, chứ chưa cần nói tới cách ứng xử đối với các công trình thuộc hạng di
tích kiến trúc – lịch sử - nghệ thuật. Hẳn rằng tác giả đồ án không xa lạ gì với
công trình cải tạo tòa nhà chính La Grande Halle, vốn là chuồng gia súc cũ do
Jules de Merindoi xây năm 1867 được chuyển thành một không gian hiện đại, làm
nơi diễn ra các liên hoan nghệ thuật trình diễn (âm nhạc, múa, xiếc…) hay các hội
chợ triển lãm quốc tế… Đây là một hạng mục rất hấp dẫn và thu hút du khách khi
đến Paris Parc de La Villette. [Hình minh họa 1]
|
|
H-01a-Parc de la Villette trước khi cải tạo
|
H-01b-Parc de la Villette sau khi cải tạo
|
5 - Tôi rất ngạc nhiên khi đọc những nhận định của tác giả đồ
án liên quan đến Dinh Tỉnh Trưởng: “Hiện
trạng khu vực này đã xuống cấp, không thu hút được khách tham quan du lịch. Việc
đề xuất cải tạo hoặc di dời trong khuôn viên là định hướng chung để các nhà thiết
kế có thể đưa ra các phương án tối ưu nhất…”. Thứ Nhất, để cho một di tích
kiến trúc – lịch sử xuống cấp đến mức không thu hút được khách du lịch tham
quan là bằng chứng cho thấy một sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm đã kéo dài quá lâu
đối với tài nguyên chung này của các cấp quản lý và là một sự lãng phí rất đáng
chê trách. Nếu các cấp quản lý thực sự quan tâm, chú trọng bảo dưỡng, duy trì
thì hiệu quả sử dụng mấy chục năm qua đã không bị mai một và giờ đây cũng giảm
được gánh nặng cho ngân sách trùng tu, bảo tồn. Thứ Hai, việc di dời, dù là “trong
khuôn viên” đối với một di tích như Dinh Tỉnh Trưởng ở khu Hòa Bình cũng sẽ trở
nên bất cập như khi người ta định di dời ngôi đền Parthenon đến một góc nào đó
trên đồi Acropolis ở Hy Lạp. Chỉ riêng điều này tất nhiên là không thể chấp nhận
được chứ chưa nói đến việc xây khách sạn 10 tầng nghễu nghện trên một khu đồi
xanh cao nhất khu vực. Cái đẹp của kiến trúc ở Đà Lạt không thể tách rời khỏi yếu
tố địa hình và cây xanh mà PGS. TS.KTS Nguyễn Hồng Thục gọi là “những phối cảnh
ngô nghê” với những chiếc mái hình bán cầu vô cùng xa lạ.
6 - Nếu Đà Lạt thật sự có nhu cầu xây dựng những công trình
thương mại, du lịch hiện đại thì không phải không có phương cách thích hợp, đó
là các khu vực nằm bên ngoài khu trung tâm và cảnh quan đặc sắc của hệ thống
các hồ nước. Phải thừa nhận rằng đang tồn tại một nghịch lý lớn lao giữa bảo tồn
và phát triển ở khắp các đô thị lớn nhỏ của chúng ta. Nhà đầu tư thường không mấy
quan tâm, đồng hành cùng các thành phố trong việc “vẽ” nên những đô thị hiện đại.
Cái mà họ quan tâm nhất là lợi nhuận trong mức đầu tư thấp nhất có thể. Khu Thủ
Thiêm của TP. HCM cho đến nay vẫn chưa phát triển, theo ý kiến của TS Ngô Viết
Nam Sơn: “trong khi mong muốn ban đầu Thủ
Thiêm là nơi thu hút các tập đoàn lớn xây dựng thành khu trung tâm kinh tế, tài
chính... tầm cỡ khu vực”, thì nay chỉ thấy những dự án của các nhà đầu tư
tư nhân, chủ yếu xây nhà để bán. Nhìn bức ảnh chụp bán đảo Thủ Thiêm sau hơn 20
năm qui hoạch đến nay vẫn còn như một bãi đất hoang, trong khi ở bên bờ đối diện
thì những toà nhà cao tầng mọc lên dày đặc như những bức tường rào [Hình minh họa 2] . Điều
đó giải thích tại sao người ta quyết tâm di dời một di tích như Dinh Tỉnh Trưởng
để xây dựng một khách sạn 10 tầng dù rất ngô nghê. Do biết trước rằng công luận
sẽ phản đối kịch liệt, nên họ mới ra sức nói về “tăng cường không gian xanh” và “hình
thành nhiều quảng trường lớn”.
Qua 6 nan đề nêu trên mới thấy việc tạo dựng tính đồng thuận
ngày nay còn có nhiều cái khó hơn so với việc du thuyết ngày xưa đến như thế
nào./.
30/03/2019
Kiến trúc sư Lê Thanh
Sơn
Đại học Kiến trúc TP.
HCM
H-02a-Bán đảo Thủ Thiêm hoang vắng sau 20 năm QH
|
H-02b-Những bức tường rào bao vây Thủ Thiêm |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét